Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước TP HCM, sau 6 tháng, lượng kiều hối
chuyển về địa bàn thành phố qua các kênh chính thức ước đạt 2,1 tỷ USD,
tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP
HCM cho biết, phần lớn kiều hối này được dùng để sản xuất kinh doanh, để
đầu tư chứ không phải để nắm giữ, chi tiêu hay tập trung vào đầu tư bất
động sản, chứng khoán như trước. Do đó, chính sách chống đô la hóa cơ
bản của Ngân hàng Nhà nước áp dụng thời gian qua không ảnh hưởng đến
lượng kiều hối.
Trước đó, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm, áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm
niêm yết hàng ngày, siết lại đối tượng cho vay ngoại tệ đã khiến nhiều
người cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam
để gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, thực tế đã không như vậy.
Được biết, lượng kiều hối đổ về TP HCM chủ yếu tập trung từ Mỹ và
châu Âu. Theo ông Minh, từ năm 2013, với sự ổn định của tỷ giá, lượng
kiều hối chuyển về được bán lại cho ngân hàng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20
– 35%. Chỉ tính riêng năm 2015, con số này đạt trên 22% và hiện xu
hướng này vẫn được duy trì.
Trong 5 năm qua, từ 2011 đến 2015, lượng kiều hối chuyển về địa bàn
Thành phố thường tăng bình quân 10-12% sau mỗi năm. Với tình hình kinh
tế của TP HCM phục hồi khá mạnh so với mặt bằng chung của cả nước, ông
Minh dự báo lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn trong năm 2016 sẽ tiếp
tục khả quan, dự kiến đạt khoảng 5,7 tỷ USD.
Theo ông Minh, thị trường kiều hối của Việt Nam hiện nay tăng cao chủ
yếu vẫn từ Mỹ và châu Âu, còn ở Trung Quốc và Hàn Quốc không đáng kể,
chỉ đóng góp một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng vốn chuyển về.
(Nguồn cafef)