Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, nợ xấu giảm sâu

Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, nợ xấu giảm sâu

Dự trữ ngoại hối tăng mạnh những ngày gần đây, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất gần chục năm qua...

 
 

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14 sáng nay (21/9) tiếp tục cập nhật hướng tăng lên của dự trữ ngoại hối quốc gia.

Cụ thể, báo cáo cho biết, trong những tháng đầu năm nay, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt 63,5 tỷ USD.

Con số trên cho thấy dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng trong những ngày gần đây, so với quy mô gần 63 tỷ USD được cập nhật tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, cùng với mức mua vào lên tới khoảng 32 tỷ USD trong hai năm qua.

Dự trữ ngoại hối tăng lên trong bối cảnh Việt Nam trở lại xuất siêu đáng kể với 2,9 tỷ USD. Hướng xuất siêu này được nối dài trong 4 tháng đầu năm 2018 với khoảng 3,89 tỷ USD.

Đáng chú ý, cùng với xuất siêu, cán cân vốn cũng tạo nguồn ngoại tệ lớn với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) gia tăng.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện trong bốn tháng đầu năm ước tính đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.863 lượt với tổng giá trị góp vốn là 2,26 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường cổ phiếu, mặc dù có chuỗi bán ròng trong hơn chục phiên gần đây, nhưng giá trị mua ròng của khối ngoại tính từ đầu năm đến hết tháng 4 vẫn đạt khoảng trên 320 triệu USD thông qua các giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận.

Bên cạnh quy mô dự trữ ngoại hối, báo cáo trên của Chính phủ cũng đưa ra con số về nợ xấu với mức thấp đáng chú ý.

Cụ thể, báo cáo cho biết, đến cuối tháng 3/2018, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chỉ còn 2,18%.

 

2,18% là tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong khoảng chục năm qua, giảm hẳn so với mức quanh 2,5% trong năm 2017, về vùng công bố những năm trước 2010 - giai đoạn nợ xấu chưa được nhận diện một cách đầy đủ và công bố chính thức ra công chúng.

Không diễn giải cụ thể, song có thể ước định mức 2,18% là tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng. Theo đó, con số này có thể chưa bao gồm phần nợ xấu đang nằm tài Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cũng như chưa bao gồm nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

 

(Nguồn: cafef.vn)

Theo Nhật Nam

Theo VnEconomy